Trung Quốc - Ô nhiễm vượt tầm kiểm soát

Trung Quốc bắt đầu đổ tiền vào việc làm sạch một đại lục bị ô nhiễm bởi 30 năm phát triển công nghiệp khó kiểm soát. Việc này thực tế thế nào?

 

 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin, đã tới thăm Bắc Kinh hồi tháng 10, và có rất nhiều thoả thuận được ký kết. Thương mại giữa Nga - Trung hàng năm đạt khoảng 60 tỉ USD và dầu khí chiếm phần lớn trong số này. Hầu hết dầu được vận chuyển bằng đường sắt nhưng một hệ thống dẫn dầu mới có thể đi vào phục vụ thời điểm cuối 2010.

 

Nhu cầu khí tự nhiên của Trung Quốc ước tính tăng gấp ba vào 2030 và Trung Quốc dường như nhập khẩu số lượng lớn khí tự nhiên từ Nga. Một thoả thuận khung đã được đàm phán sẽ khiến đại lục trở thành khách hàng lớn nhất về khí tự nhiên của tập đoàn Gazprom. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào việc định giá khí.

 

Khi thoả thuận đạt được, điều cần thiết trong vài năm tới là xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí. Song song với các cuộc thương lượng này, một hệ thống ống dẫn dài 6.500km từ Turkmenistan đang gần hoàn thành, mang khoảng 30 tỉ mét khối khí tự nhiên tới Trung Quốc.

 

Khao khát nhiên liệu hoá thạch của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng. Một ngày sau chuyến thăm của Thủ tướng Nga Putin, một thoả thuận đã được ký kết giữa Thủ tướng Trung Quốc và người đồng cấp Kazakhstan để gia tăng công suất của hệ thống dẫn dầu Kazakhstan – Trung Quốc từ 10 triệu lên 20 triệu tấn/năm. Nhu cầu phục vụ cho tăng trưởng như vậy khiến Trung Quốc sẽ trở thành nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới trong vòng năm năm.

 

Ngoài ra, người ta còn chứng kiến việc gia tăng sản xuất nguồn nhiên liệu hoá thạch chính của Trung Quốc: than đá. Trong suốt 35 năm qua, tiêu thụ than đá của Trung Quốc tăng gấp sáu lần, đạt gần 2,5 tỉ tấn mỗi năm, chiếm 40% tiêu thụ than đá toàn cầu. Mức độ sử dụng nhiên liệu hoá thạch này là nguyên nhân gây ra lượng khí thải carbon dioxide khổng lồ. Thống kê cho thấy, tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đang tăng vọt, thậm chí vượt qua cả Mỹ.

 

Ngoại giao khí thải

 

Mỹ và Anh giờ đây đã nhất trí rằng, thay đổi khí hậu có liên quan tới khí thải carbon dioxide và việc hạn chế khí thải sẽ là không thể trừ phi Trung Quốc cam kết tham gia tiến trình này.

 

Một ý tưởng vượt trội là “nắm giữ” CO2 và “giữ” chúng trong những hình thức địa chất ngầm. Tuy nhiên, thị trường công nghệ cho việc này lại không sẵn sàng,  công nghệ thử nghiệm quá đắt đỏ; và không phải bất kể ai đặt niềm tin vào tiến trình này cũng đều muốn chi tiền để phát triển, và có quá nhiều vấn đề pháp lý xung quanh nó. Ai sẽ là chủ sở hữu và vì thế, trách nhiệm cho hành động lưu giữ CO2 ngầm dưới đất thế nào? 

 

 

Khoảng 30 nhân viên của cơ quan ngoại giao Anh đang nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt lượng khí thải carbon dioxide. Cơ quan này cũng phối hợp với các viện hàn lâm của Anh, viện nghiên cứu quốc tế Anh để tổ chức những cuộc nói chuyện với người Trung Quốc về chủ đề này. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công suất phát điện với nhu cầu sử dụng điện gia tăng nhanh chóng. Liệu một nước mà hệ thống đường điện luôn cần thêm nhiều điện hơn nữa có lắng nghe những tranh cãi về khí thải CO2?

 

Chặn khí thải CO2 từ hệ thống dây chuyền sản xuất cũ của Trung Quốc là quá đắt đỏ, nhưng Bắc Kinh giờ đây cũng đã nhận thức được vấn đề thực tế. Trung Quốc tham gia vào các cuộc thảo luận thay đổi khí hậu, những cuộc đàm phán với đại biểu phương Tây về quan ngại hiệu ứng khí thải nhà kính.

 

Hầu hết than đá sử dụng đã thải ra thủy ngân, thạch tín, chì, cadmium và selenium, những chất có độ độc cao. Ở hầu hết các cơ sở tại Trung Quốc (và cả những nơi khác trên thế giới trong đó có Mỹ), hầu hết thủy ngân và selenium được thải vào không khí. Tại Bắc Mỹ, thủy ngân đọng lại ở nhiều hồ nguyên sinh phía bắc Canada và chính quyền địa phương đã bắt đầu tiến hành đo đạc. Những chất khác được thải vào đất, lòng đất, môi trường, đất ngầm. Ô nhiễm nước ngầm lan rộng và không chỉ có ở Trung Quốc.

 

Đô thị sinh thái

 

Ở Bắc Kinh, chính phủ đã bắt đầu thể hiện những quan ngại về các thảm họa môi trường, và ví dụ tiêu biểu cho lo lắng ấy là "Dự án Dongtan".

 

Đảo Chongming và hai khu lân cận nằm ở gần cửa sông Dương Tử, mất khoảng một giờ đi phà từ trung tâm Thượng Hải. Đảo này trở nên nổi tiếng vào năm 2004 khi có quyết định xây dựng một hệ thống cầu cảng, kênh nối giữa cực đông Phố Đông của Thượng Hải với tỉnh Giang Tô (đi qua sông). Dự án này bao gồm cả việc xây dựng Dongtan, thành phố sinh thái cung cấp nhà cửa cho khoảng nửa triệu người.

 

Nếu theo đúng kế hoạch, Dongtan bây giờ đã đang trong quá trình hoàn thiện. Ý tưởng của mô hình này là chuyển hóa vùng đầm lầy gần thành phố Thượng Hải thành khu đô thị với các công trình tiết kiệm năng lượng. Theo đó, rác thải sẽ được tái chế để cung cấp nhiên liệu, khu bờ sông sẽ được đặt các cối xay gió phát điện công suất nhỏ.

 

Công trình sinh thái này dự kiến hoàn thiện giai đoạn đầu vào hội chợ Thượng Hải Expo 2010 để chứng minh cam kết của thành phố về việc xây dựng một tương lai xanh.

 

Tuy nhiên hiện tại, khu đô thị gần như chưa được xây dựng, trong khi nhiều hộ dân đã rời khỏi hòn đảo. Trong khi đó, trên báo chí Trung Quốc, các chuyên gia môi trường và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án vì nó được thực hiện ở khu đầm lầy duy nhất còn sót lại ở Thượng Hải, ngôi nhà của các loài chim di trú quý hiếm.

 

Cho dù vậy, Dongtan vẫn được coi là một biểu tượng khát khao muốn "làm sạch" của Trung Quốc.

 

Những thông tin đưa ra gần đây từ các ngôi làng gần nhà máy nấu kim loại tại tỉnh Phúc Kiến đã nhấn mạnh tới mức độ nhiễm độc chì khá cao trong máu của trẻ em; ở Hồ Nam tới Thiểm Tây cũng có báo cáo tương tự. Danh mục ô nhiễm công nghiệp và đô thị tại Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc ước tính có 10 tỉ tấn rác thải từ thành phố đổ về nông thôn. Trước Olympic Bắc Kinh 2008, khó có thể nhìn thấy mặt trời ở thủ đô của Trung Quốc.

 

Vấn đề sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Trung Quốc đã tới lúc cần được nhắc tới, sẽ tốn tiền nhưng Trung Quốc có tiền. Và chính quyền đại lục có thể phải nhớ tới phương châm ngắn gọn nhưng phổ biến ở nước này là "phục vụ nhân dân".

 

Kỳ Thư (Theo mondediplo) 

 

Các tin khác