Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam: Tổn thất tới 5,5% GDP

Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm, theo đánh giá của ngân hàng Thế giới. Đây là lần đầu tiên một tổ chức thuộc nhóm các đối tác phát triển quốc tế của Việt Nam đưa ra con số này. Như vậy, nền kinh tế mất khoảng 3,9 tỉ USD trong 71 tỉ USD của GDP trong năm 2007, và khoảng 4,2 tỉ USD trong ước tính 76 tỉ USD của GDP trong năm 2008. Hơn nữa, tăng trưởng thực của Việt Nam sẽ chỉ còn 3% năm 2007 và ước tính 1,5% trong những năm sắp tới.

 

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên gia cao cấp về môi trường của ngân hàng Thế giới cho rằng con số đo lường tổn thất do ô nhiễm môi trường của Việt Nam được căn cứ vào một nghiên cứu rất chi tiết do tổ chức này thực hiện ở Trung Quốc. Chỉ số này được đánh giá trên những tiêu trí như phí tổn về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, tổn thất về sức khoẻ cộng đồng, nông nghiệp, công nghiệp, chi phí khắc phục… “Chúng tôi giả định là tình hình của Việt Nam giống Trung Quốc thì ô nhiễm môi trường là 5,5% GDP”, bà Phương nói cho biết thêm rằng việc công bố con số này không nhằm mục đích tạo sức ép lên Việt Nam.

 

 

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Hồng Hà, tổng cục trưởng Tổng cục bảo vệ môi trường, bộ Tài nguyên môi trường nghi ngờ con số này của ngân hàng Thế giới. “Con số này là chưa thể tính được trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Số liệu này của ngân hàng Thế giới chỉ để giúp mục đích nghiên cứu thôi”, ông Hà nói. Theo ông Hà, việc tính toán con số này rất phức tạp vì phải xử lý được nhiều số liệu liên quan đến tất cả các dự án đầu tư gây ô nhiễm, chi phí xử lý ô nhiễm, ảnh hưởng lên sức khoẻ cộng đồng...

 

Bà Phương khẳng định rằng việc áp dụng con số 5,5% cho Việt Nam là có thể chấp nhận được trong bối cảnh Trung Quốc đã nâng con số này lên 10% GDP hiện nay. “Theo tôi, các quan chức môi trường Việt Nam không sợ con số này”, bà Phương nhận định.

 

Theo báo cáo công bố cuối tuần trước, ngân hàng Thế giới cho rằng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã lên mức trầm trọng sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, chi phí xử lý môi trường chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế, dù Chính phủ đã rất nỗ lực. Ví dụ, chỉ có 450 triệu USD (1% chi tiêu ngân sách) được dành cho xử lý ô nhiễm môi trường năm 2004, trong khi chi phí cần thiết phải lên tới 2,5 tỉ USD.

 

Trong báo cáo này, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội dẫn đầu trong số 10 địa phương gây ô nhiễm nhất. Trong số doanh nghiệp gây ô nhiễm cao nhất được khảo sát, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 9%, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 11%, và doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 80%. 

 

(Nguồn: SGTT)  

 

Các tin khác